Khô mè Bà Liễu Mẹ – đặc sản Đà Nẵng làm quà lý tưởng cho khách du lịch

Đến du lịch Đà Nẵng, ít nhiều có lẽ chính bạn đã từng nghe qua cái tên bánh khô mè Bà Liễu Mẹ rất đỗi nổi tiếng, không kém cạnh gì so với đặc sản chả bò. Bánh khô mè cũng chưa bao giờ nằm ngoài list các món đặc sản Đà Nẵng mà khách du lịch vẫn hay chọn làm quà mang về cho người thân. Đà Nẵng không chỉ là vùng đất của những khu du lịch đẳng cấp quốc tế, hiện đại trong từng hơi thở mà dường như đặc sản cũng nức tiếng gần xa, ai ai cũng thích. Trong đó, không thể thiếu món bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, thức quà dân dã, ngọt miệng.
Đôi nét về đặc sản khô mè Bà Liễu Mẹ – món ngon Đà Nẵng
So với các món đặc sản Đà Nẵng như chả bò, tré, mực rim, cá rim hay bánh dừa nướng, khô mè Bà Liễu Mẹ đã là một cái tên rất quen thuộc với người Đà Nẵng nhưng lại vẫn còn mới mẻ với khách du lịch. Chính vì điều ấy đã tạo ra sự tò mò, muốn tìm hiểu và nếm thử món bánh đặc sản này. Giờ đây, món bánh khô mè đã có riêng thương hiệu mang tên Bà Liễu Mẹ, từ đó tạo nên nét độc đáo cho ẩm thực Đà Nẵng nói riêng và ẩm thực miền Trung nói chung.

Còn nhớ cách đây tầm 8 năm, vào tháng 10/2012, bánh khô mè Cẩm Lệ đã được Kỷ lục Việt Nam công nhận là top 50 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Dù đã là món bánh có từ lâu đời, trở thành đặc sản của cả vùng Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng bánh khô mè sản xuất tại Cẩm Lệ là thơm ngon hơn cả. Nổi bật hơn về nghề làm bánh khô mè thì có Bà Liễu Mẹ.
Hiện nay, tại quận Cẩm Lệ có nhiều cơ sở sản xuất bánh khô mè, chủ yếu tập trung ở P. Khuê Trung và P. Hòa Thọ Đông. Nổi tiếng hơn cả là cơ sở của bà Huỳnh Thị Liễu ở Khuê Trung, cũng là thương hiệu Bà Liễu nổi tiếng nhất. Ngoài cơ sở tại đường An Hòa 12, bánh khô mè Bà Liệu còn có một cơ sở khác ở đường Ông Ích Đường.
Sự hấp dẫn đến từ món bánh khô mè Bà Liễu Mẹ
Nếu chỉ nhìn qua sẽ thấy món bánh khô mè Bà Liễu Mẹ không có gì quá đặc biệt, nhưng khi tìm hiểu sẽ thấy rất nhiều sự thú vị xoay quanh món bánh này. Bánh khô mè, hay còn gọi với tên là bánh bảy lửa, bởi đơn giản phải trải qua ngọn lửa đến 7 lần. giờ đây, công đoạn sản xuất bánh đã trở nên đơn giản hơn nhưng vẫn phải đảm bảo đủ bước để mang lại những chiếc bánh mè “chất lượng” cho khách. Cảm nhận vị bánh ngọt thanh, có vị thơm của mè và vị giòn ăn rất vui miệng.
Để tạo nên một chiếc bánh khô mè, người dân ở đây sử dụng các nguyên liệu gồm hỗn gạo – nếp, mè, đường, gừng tươi và bột quế. Đầu tiên, trộn bột gạo với bột nếp cho hòa vào nhau, sau đó tẩm bột với nước để tạo độ ẩm rồi vào khuôn tạo hình, đem hấp cách thủy, cuối cùng là nướng trên than hoa cho giòn. Độ ngon của bánh chính là ở khâu nướng này, bánh phải được nướng qua 2 lần (đã có sự cải tiến trước đó), lần thứ nhất nướng trên than nóng, trong khoảng 10 phút, yêu cầu phải trở bánh liên tục để bánh chín đều. Lần thứ hai chỉ nướng trên than nóng vừa, từ 10-15 phút để bánh có độ giòn xốp nhất định. Tiếp đó, nhúng qua mô lớp đường mía non, sau đó lăn qua mè hoặc nếp rang. Bánh mà lăn qua nếp gọi là bánh khô nổ, bánh lăn qua mè gọi là bánh khô mè.
Một chiếc bánh khô mè hoàn hảo là khi ruột xốp giòn, thơm mùi mè và nếp, có vị ngọt của đường mía, vị thơm nồng của quế, gừng. Khi bẻ bánh ra, có vị kéo sợi của đường non. Món bánh khô mè ngoài để ăn chơi còn thích hợp để đặt trên các mâm cúng gia tiên trong ngày giỗ, Tết và làm quà tặng.